Lai giống Nhân giống ngựa

Lai cải tiến

Cận cảnh ngựa giao phối
Đánh hơi thăm dò bạn tình
Phản ứng Flement
Thực hiện giao phối
Một đôi ngựa đang quyến luyếnTrong thời kỳ động dục, không nên cho ngựa đực lao động nặng nhọc

Theo số liệu thống kê của FAO, thế giới có 80 nước có ngành chăn nuôi ngựa phát triển với số lượng năm 2000 khoảng 63.000.000 con, đến năm 2003 có khoảng 60.000.000 con. Nhằm nâng cao năng suất sản phẩm chăn nuôi ngựa, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu tạo ra nhiều giống ngựa có chất lượng cao. Bên cạnh việc nghiên cứu tạo giống ngựa mới, nhiều nước đã tiến hành nghiên cứu chọn lọc các giống ngựa địa phương để từng bước cải tạo, pha máu với giống ngựa tốt có năng suất cao ở nước ngoài, phù hợp với điều kiện chăn nuôi trong hộ gia đình.

Đàn ngựa Việt Nam là các giống ngựa địa phương thuần chủng trừ một số rất ít ngựa gần các trại hoặc trạm truyền giống hồi thuộc Pháp có lai với ngựa Ả rập và một số ít ngựa ở các tỉnh biên giới Việt Nam, Trung Quốc có pha tạp ngựa Quảng Tây, ngựa Vân Nam. Người ta đã chọn lọc hình thành giống ngựa Việt Nam nuôi nhiều ở các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, nuôi với số lượng ít hơn nhưng vẫn cần ở các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh phú, Phú Thọ, Hoà Bình, Bắc Giang[2] Ngựa bạch và ngựa màu cũng chỉ được coi là giống ngựa cỏ là ngựa cổ truyền của người Việt. Bởi đặc tính của chúng thấp, nhỏ và sức kéo (thồ) kém do đó bà con ở vùng nông thôn và vùng miền núi ở cả Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên đều không còn hào hứng nuôi nhiều, cộng với tình trạng đàn bị thoái hóa do đồng huyết nên cứ mai một nhanh chóng.

Công trình lai tạo giống ngựa ở Việt Nam bắt đầu triển khai từ năm 1964. Lúc đó, Chính phủ Việt Nam cho phép nhập tám con ngựa Kabadin của Liên Xô (cũ) về nuôi, lai tạo và nhân giống. Sau đó, tiếp tục nhập ngựa Kabadin từ Hắc Long Giang (Trung Quốc) về thử nghiệm. Tất cả công thức lai tạo 25%-50%-75% máu ngựa Kabadin đều cho kết quả rất tốt. Giống ngựa 25% máu Kabadin là công thức phù hợp nhất cho miền núi, còn ngựa 50% và 70% máu Kabadin lại thích hợp cho các khu du lịch, đoàn xiếc, trang trại lớn để khai thác theo hướng cưỡi, kéo xe du lịch. Chỉ tính những năm gần đây đã có trên 20.000 con ngựa lai từ trung tâm được chuyển giao cho nông dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.

Giống ngựa ở nước ngoài rất cao to và đẹp mã, sức khỏe khác thường, tiêu biểu như loài ngựa Kabadin. Nhưng nếu nhập hẳn giống ngựa ngoại Kabadin về thì khó do giống ngựa có trọng lượng lớn, chăn nuôi tốn kém, cần nhiều thức ăn. Dù chân to, trọng lượng khá lớn, sức thồ-kéo-cưỡi và leo núi đều tốt nhưng kháng thể lại không hợp với khí hậu nên cũng không chịu đựng được. Trung tâm Bá Vân đã lai tạo và nhân giống để cho ra một giống ngựa lai có tên "ngựa lai Kabadin" nhằm chuyển giao cho bà con ở vùng miền núi. Ngựa lai thì chủ yếu dùng ngựa giống Cabadin của Liên Xô là một giống ngựa kiêm dụng cưỡi thồ tạp giao với ngựa Việt Nam nhằm nâng cao tầm vóc, thể trọng và sức làm việc của ngựa Việt Nam. Ngựa lai có thể trọng cao hơn và nhiều ưu điểm hơn ngựa Việt Nam. Ngựa lai có chiều cao trung bình 122–125 cm. Trại ngựa Bá Vân ở Phổ Yên đang nuôi ngựa Cabadin thuần chủng để tạo ra nhiều ngựa lai có chất lượng ổn định đồng thời giúp các trạm truyền giống tiếp tục lai tạo nâng cao chất lượng ngựa địa phương.

Giống ngựa Kabadin của trung tâm được nhập về chủ yếu từ Trung Quốc và Liên Xô (cũ). Lúc nào cũng phải duy trì tổng đàn khoảng 200 con, cứ sau 4-5 năm lại phải đổi một lứa ngựa Kabadin mới vì chúng sẽ già và bị đồng huyết. Cơ chế lai theo công thức con ngựa đực Kabadin sẽ lai với con cái nội (ngựa cỏ) cho ra thế hệ F1. Sau đó, lai tiếp con ngựa đực F1 với con cái nội để ra F2 bằng cách cho con F1 vào đàn ngựa của bà con ở khắp các địa phương từ trong Nam ra ngoài Bắc. Người dân rất thích nuôi con F2 hoặc F1 vì nó vừa tầm mắt, sức kéo tốt, cưỡi cũng được. Nếu như con F1 và F2 nặng khoảng 220–280 kg (F2 nhỏ hơn F1) thì con ngựa thuần Kabadin lại nặng tới 4-5 tạ/con, còn ngựa cỏ nội chỉ nặng có 180–230 kg/con.

Huyện Quản Bạ thực hiện dự án cải tạo, phát triển đàn ngựa tại xã Quản Bạ. Nhờ lai giống ngựa đực Cabadin mà ngựa con mới 1 tháng tuổi có vóc dáng, thể trạng to gấp 2 lần so với giống địa phương. Trạm khuyến nông huyện Quản Bạ đã cải tạo chất lượng đàn ngựa bằng việc cấp 1 ngựa đực giống lai Cabadin để lai với ngựa địa phương, để đảm bảo cho con giống được phát triển tốt nhất. Bằng phương pháp thụ tinh trực tiếp, đã có 19 con ngựa cái mang thai, phát triển tốt, trong đó chín con ngựa lai đã ra đời. Ngựa lai có nhiều ưu điểm như ngoại hình cân đối, màu sắc đẹp, tầm vóc cao, thể trọng lớn hơn ngựa địa phương, sức sản xuất bền bỉ, khả năng chống bệnh tốt và dễ nuôi dưỡng. Ngựa đực lai 50% máu Cabadin có một số đặc điểm sinh học trong 1 lần xuất tinh: V(ml): 60-80; A(%) > 65%; C (triệu/ml): 60-70; pH: 6,1–6,2.

Chuyện này mở triển vọng áp dụng rộng rãi cải tạo đàn ngựa địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều người dân xã Quản Bạ cho biết, nuôi ngựa nhàn hơn các loại gia súc khác. Xã Thanh Vân cũng đã mượn ngựa đực giống của xã Quản Bạ về phối giống trực tiếp cho 34 con ngựa cái và hiện nay đã thụ thai. Một số ít ngựa con đã ra đời có vóc dáng to khỏe và nhanh nhẹn hơn so với giống ngựa địa phương từ chủ trương cải tạo, phát triển đàn ngựa của địa phương và cần sự đầu tư thêm về ngựa đực giống, mỗi xã từ 1 đến hai con ngựa đực, có như thế mới đảm bảo chất lượng cho những chú ngựa con ra đời khỏe mạnh và đảm bảo tính lâu dài không bị thoái hóa. Toàn huyện có từng có 632 con ngựa[3].

Ở miền Nam Việt Nam, qua nhiều năm gắn bó và đam mê với ngựa đua, người dân Đức Hòa, Long An đã phát hiện ra một phương pháp lai giống ngựa mà không mất đi cái chất thuần túy của ngựa Việt Nam. Ngựa châu Âu to, khỏe, có sức bật tốt còn ngựa Việt Nam tuy nhỏ nhắn nhưng lại dẻo dai, bền bỉ vì bản chất là ngựa dùng để kéo xe, chở hàng. Một con chiến mã ra đời mang đầy đủ những nét tinh hoa, thuần túy và trội nhất của dòng lai F1 sẽ trở thành ngựa đua tốt. Những con ngựa đua lai ĂngLê lai Á Rập (Ngựa Anglo-Arab), to khỏe không thua gì ngựa đua chính gốc. Mỗi con ngựa nhập nguyên giống vào Việt Nam, giá không thua gì một chiếc xe hơi đời mới, sang nhất bây giờ. Ngựa lai này có giá còn cao hơn ngựa Ả Rập thuần chủng. Nhờ nó thuận với phong thổ, nuôi đem ra trường Phú Thọ mới hợp thời tiết xứ nóng ẩm[4][5].

Nghề nuôi ngựa ở Đức Hòa Long An có từ lâu, ban đầy người ta chỉ nuôi ngựa giống Việt Nam, vì giống ngựa nước ngoài chưa có. Năm 1952, khi bắt đầu đua ở trường đua Phú Thọ, sau đó người ta đã lai tạo những con ngựa thuộc loại F1 và con ngựa con thế hệ F2 cũng đều lai giống ngựa nước ngoài[6]. Những giống ngựa còn lại ở Đức Hòa đều là ngựa quý, được nhập từ Pháp những năm đầu thế kỷ trước. Hơn một trăm năm nuôi, thuần hóa, ngựa đã quen thổ nhưỡng, khí hậu và là giống gien rất quý. Từ bộ gien nhập thành bộ gien thuần chủng, có thể gọi giống ngựa ở đây là giống nội địa. Ngựa có thể lực lớn, tốc độ cao[7] sau đó còn lai với những chú ngựa Anh, ngựa Ả-Rập, ngựa Tây Ban Nha, ngựa cái để phối giống[7] Ngựa đua phải giống F1, F2 mới có kết quả. Nuôi được ngựa đẻ lại càng khó hơn[4][5]. Ba triệu đồng một “mũi” thụ tinh cho ngựa. Bơm xong lấy tiền, kết quả được hay không được không chịu trách nhiệm[7]. Việc phối giống cho ngựa không phải đơn giản. Có khi mất cả chục triệu cho việc thụ tinh và không phải một lần là được. Vì thế, ngựa con sinh ra rất quý.

Cùng với huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, cách nay hàng chục năm, vùng tam giác Xuân Thới Sơn Xuân Thới Thượng Bà Điểm được xem là cái nôi của nghề nuôi ngựa đua. Để tạo ra một con ngựa chiến, ngựa “nái” phải là những con có thành tích lẫy lừng, đoạt chí ít vài ba giải nhất trong năm. Việc chọn nái quyết định đến chất lượng ngựa con sau này. Nhiều chủ ngựa đã hét giá lên đến 60 triệu đồng/con. Chuẩn bị cho quá trình tái thuần dưỡng và phối giống, ngựa nái sẽ được bồi bổ bằng các loại cỏ ngon và thuốc bổ. Phải tìm một con ngựa đực giống tốt từ 2 đến 7 tuổi, đang sung sức và có giải càng tốt, phải bỏ công đến trường đua để quan sát, tìm kiếm, chọn được con ngựa ưng ý thì xin chủ ngựa cho phối giống, giá mỗi lần từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Ngựa nái sau thời gian mang thai 11 tháng 5 ngày sẽ đẻ con. Ngựa thường đẻ vào ban đêm, phải thức khuya để tiếp sức ngựa mẹ. Ngựa con từ lúc ra đời cho đến khi được 24 tháng tuổi (có thể đua được) là cả một quá trình gian truân của người nuôi.

Trước đây, do có giá trị kinh tế cao nên ngựa bạch Việt Nam không được lai tạo với bất kỳ giống ngựa nào khác. Ngày nay, do nhu cầu thị trường mà việc lai tạo đã phổ biến hơn. Một thời cao ngựa được săn lùng ráo riết nhưng ngựa bạch đực lại vô cùng khan hiếm. Đã có lúc tìm có xã chỉ được vài chú ngựa bạch đực trưởng thành, còn lại thì toàn ngựa cái. Tình trạng mất cân bằng giới tính như vậy đã dẫn tới việc để có giống thuần chủng, chủ ngựa cái phải đặt gạch ở những nhà có ngựa bạch đực đến cả tháng. Có một số phương pháp tạo ra ngựa trắng hay ngựa bạch. Sử dụng ngựa bạch mẹ phối với ngựa bạch bố sinh ra ngựa bạch con. Có cách khác là chọn những con ngựa cái hởi (màu vàng vàng), ngựa cái kim (màu đen trắng) cho lai ở vòng sơ khảo, những con chọn được rồi ban đêm chủ nhân ra chuồng ngựa cầm đèn pin soi vào mắt ngựa, thấy mắt đỏ lừ như hòn than đang cháy mới giữ lại còn không phải đem loại. Những con ngựa hởi, ngựa kim có đặc điểm mắt đỏ ấy phối với ngựa bạch đực sẽ sinh ra ngựa bạch ngoài ra có thể cho ngựa bạch mẹ đem phối với ngựa đực thường cũng sinh ra ngựa bạch.

Người ta cũng lai giống ngựa bạch Việt Nam với giống ngựa bạch Tây Tạng, do đặc thù ngựa bạch Việt Nam nhỏ nên trang trại đã nuôi thêm ngựa Tây Tạng để cải tạo nhân giống. Một số đã lai tạo thành công giống ngựa bạch Cao Bằng với ngựa bạch Tây Tạng để cho ra con giống mới. Ngựa Tây Tạng sinh sản kém lại có tầm vóc cao do đó đã lai tạo giống hai loại này. Đã có hơn 100 con ngựa là loài lai giữa ngựa bạch Việt Nam và ngựa bạch Tây Tạng. Đàn ngựa cái hàng năm lại đẻ ra vài chục ngựa bạch con. Ngoài việc nhân giống ngựa bạch Tây Tạng còn phối giống ngựa Tây Tạng với ngựa kim Việt Nam để cải thiện chất lượng và vóc dáng. Sau đó, nhiều người tiếp tục đưa loài ngựa Mông Cổ về nuôi dưỡng, lai tạo, cải biến gen cho giống ngựa nhỏ Việt Nam. Việc phối giống này sẽ sinh ra ngựa con là ngựa bạch hoặc ngựa kim[5].

Trại Bá Vân còn là một trong những lò sản xuất ngựa đua lớn. Những con ngựa đua ra đời ở trại Bá Vân được cung cấp cho nhiều lò luyện ngựa đua (nếu không đua thì làm cảnh, nhiều doanh nghiệp đang có mốt chơi) trong cả nước, từ Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai vào tận Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và nhiều địa phương khác ở miền Nam. Ngựa đua ở Bá Vân là giống ngựa lai ba máu thực sự có xuất xứ từ Việt Nam chứ không được dòng thuần chủng. Và cơ chế lai cũng tương tự như con lai Kabadin 25% máu nhưng có phối thêm gene của con ngựa đua thuần chủng (gọi là ngựa đua ba giống). Chỉ có thể đưa gene và giống ngựa đua chuẩn của các nước về bằng cách nhập khẩu tinh trùng của chúng.

Đợt nhập tinh ngựa đua quy mô nhất của trung tâm là nhập 72 liều tinh ngoại, trong đó có 12 liều tinh của hai giống ngựa Westgalengựa Oldenbuger từ Đức về Việt Nam để phối giống cho 59 ngựa cái đã lai 25% máu Cabadin. Ngay từ bước đầu thử nghiệm đã có ra lò một mẻ ngựa đua ba giống thiện chiến hơn hẳn. Chỉ sau 2 năm, trọng lượng ngựa đã đạt trung bình gần 260–270 kg, thành tích tốc độ chạy đã vượt trội hơn hẳn con lai Kabadin 25% máu với mức đạt 42,86-43,47 km/giờ cho cự ly 1.000m. Tốc độ đã cao hơn hẳn ngựa mẹ khoảng 32% và so với giống ngựa bố Flovine đã đạt được 83,7% hoặc 80,9% so với ngựa bố Protential. Cá biệt, có một con đã đạt tốc độ tới 45 km/giờ và được trung tâm đặt tên Châu Phi.

Lai khác loài

Bài chi tiết: Ngựa lai
Một con lai giữa ngựa vằn và ngựa nhà

Bên cạnh việc lai giống những con ngựa cùng loài, người ta còn lai tạo ra những con lai trong họ ngựa thông qua việc cho giao phối chéo. Ngựa nuôi có thể lai với các loài ngựa khác trong chi Equus, nhưng đều cho con lai vô sinh (sterile), nghĩa là không sinh con được. Các loài khác nhau của họ Equidae có thể tạp giao, mặc dù con non sinh ra nói chung là vô sinh. Con lai giữa các loài ngựa trong chi Equus đều vô sinh do con lai có số nhiễm sắc thể lẻ không thể phân chia trong phân bào giảm nhiễm (meiosis). Ngựa lai/Equid Hybrids là cách gọi của các loài động vật lai được tạo từ ba loài ngựa vằn, lừa và ngựa. Hầu hết mọi người biết về con la, con lai của một con lừa đực và ngựa cái. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều giống lai Equid Hybrids.

Một số con lai trong họ Equidae là:

  • Con la: Là con lai giữa lừa đực và ngựa cái. La là dạng con lai phổ biến nhất trong họ Ngựa và nổi tiếng vì khả năng dẻo dai, chắc chắn, chịu đựng khó khăn tốt của chúng. Chúng được con người sử dụng rộng rãi trong đời sống
  • Lừa la hay còn gọi là Hinny hay con bác-đô: Là con lai giữa lừa cái và ngựa đực. Hiếm nhưng ít giá trị hơn la, nói chung nhỏ hơn về kích thước và không chịu đựng được khó khăn như la.
  • Lừa vằn hay còn gọi là Zeedonk (hay Zedon) hay Zonkey: Là con lai giữa lừa và ngựa vằn.
  • Ngựa lùn vằn (Zony): Là con lai giữa ngựa vằn/ngựa lùn (pony). Zetlands: Là con lai giữa Ngựa Vằn và ngựa lùn Shetland.
  • Ngựa vằn lai (Zorse hay zebrula): Là con lai giữa ngựa vằn đực và ngựa cái. Hebra hay Horbra: Là con lai giữa ngựa vằn cái và ngựa đực, con lai hiếm hơn của cặp ngươc lại
  • Zebroid: Là từ chung của con lai giữa các loài Ngựa Vằn với nhau. Bất kỳ con lai nào trong họ ngựa với một phần tổ tiên là ngựa vằn được gọi là zebroid.
  • Lừa hoang Tây Tạng (Kiang) có thể cho lai với ngựa nuôi, lừa, lừa hoang Trung Á (Onager), ngựa vằn, nhưng con lai cũng vô sinh, như trường hợp con La.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhân giống ngựa http://www.baohagiang.vn/kinh-te/201501/quan-ba-ca... http://infonet.vn/lang-ngua-dua-phu-tho-chat-vat-g... http://www.nguoiduatin.vn/chat-vat-giu-ngua-dua-kh... http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/nam-giap-ngo-ve-tha... http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?Artic... http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/con-ngua-hoang-da... http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Than... http://news.zing.vn/chat-vat-giu-ngua-dua-khong-va... http://news.zing.vn/vua-ngua-o-xu-tay-ninh-post394...